Vũ khí bí mật của PlayStation: Một nhà máy sản xuất gần như tự động hoàn toàn

0
PlayStation của Sony đã chiếm được cảm tình của hàng trăm triệu người hâm mộ trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt vào năm 1994. Nhưng ít ai biết được rằng thành công của dòng máy chơi game nổi tiếng này có một phần đóng góp rất lớn từ một nhà máy không người ở bên kia vịnh Tokyo.
Mỗi cỗ máy PlayStation 4 sẽ được xuất ra khỏi ra dây chuyền lắp ráp với tốc độ 30 giây (Ảnh: Kento Awashima)

Có một tòa nhà màu trắng nằm sừng sững giữa không gian mênh mông ở ngoại ô Kisarazu. Khi vào được bên trong, du khách sẽ được chào đón bằng những tiếng rít của động cơ bởi có hàng chục con robot vẫn đang "cật lực" lắp ráp những cỗ máy console PlayStation 4.

Tại đây, chỉ có một vài người để xử lý các nhiệm vụ chuyên biệt. Cụ thể, có 2 người sẽ đưa bo mạch chủ vào dây chuyền, trong khi 2 người khác sẽ đảm đương nhiệm vụ đóng gói những chiếc máy console đã hoàn thiện.

Việc lắp ráp thực tế được thực hiện hoàn toàn với những con robot khớp nối do Mitsubishi Electric cung cấp. Dây chuyền 31,4m này được hoàn thiện vào năm 2018 và có khả năng xuất xưởng một chiếc console mới cứ sau 30 giây.

Nhà máy tại Kisarazu được vận hành bởi đơn vị Sony Global Manufacturing & Operations (SGMO) – bộ phận chuyên lắp ráp của tập đoàn Sony. Đơn vị này đã hợp tác chặt chẽ với bộ phận video game Sony Interactive Entertainment nhằm đưa các công nghệ tiên tiến đến cơ sở sản xuất tại đây.


Một trong những thành tựu nổi bật của nhà máy này đó là sử dụng robot để gắn dây, băng keo cùng các bộ phận gập khác vào những cỗ máy console. 26 trong 32 con robot tại nhà máy Kisarazu sẽ đảm nhiệm việc xử lý khéo léo các vật liệu mà hầu hết những loại robot khác có thể khó thực hiện.

Chẳng hạn, việc gắn các sợi cáp gập phẳng – một loại dây điện giống như băng dính – cần đến một cánh tay roboy để giữ cáp và một sợi khác để xoắn nó. Tiếp đến, sợi cáp đó sẽ cần phải gắn theo một hướng cụ thể bằng cách sử dụng đúng áp lực. Điều đó khá đơn giản với con người, thế nhưng lại là một thao tác cực kỳ phức tạp đối với robot.

Nhà máy ở Kisarazu, bên kia vịnh Tokyo tính từ thủ đô của Nhật Bản, đã sản xuất các thiết bị PlayStation từ khi thế hệ đầu tiên ra mắt vào năm 1994 (Ảnh: Kento Awashima)

"Có lẽ không một nơi nào khác có thể điều khiển robot theo cách này", một kỹ sư cho hay. Mọi quy trình – tất cả các bước để đóng gói cuối cùng – đều được tự động hóa. Sự kết hợp giữa robot và con người được tối ưu hóa một cách tỉ mỉ, với mục đích ưu tiên hoàn vốn đầu tư.

"Tôi đã tạo ra những dây chuyền sản xuất mang đến lợi nhuận", Hiroyuki Kusakabe – Tổng Công trình sư tại SGMO, cho hay.

Các ngón tay robot khéo léo gắn những sợi dây cùng nhiều thành phần gập khác (Ảnh: Kento Awashima)

Điều này giống với triết lý sản xuất PlayStation đầu tại Nhật Bản vào hồi tháng 12/1994. Teiyu Goto, nhà thiết kế chiếc console đời đầu, cho biết rằng, cả đội ngũ tập trung vào việc chế tạo một hệ thống chơi game có thể dễ dàng sản xuất hàng loạt.

Theo đó, Goto đã thúc đẩy các kỹ sư tại khu vực Kisarazu cải thiện năng suất. Công nghệ sản xuất ban đầu sau đó đã được chuyển giao đến các nhà sản xuất hợp đồng.

8 con chip nhớ nằm quanh bộ xử lý trung tâm của PlayStation 4 (Ảnh: Kento Awashima)

Khi một chiếc console gần hết tuổi thọ trên thị trường, doanh số của chúng cũng sẽ giảm đi. Điều này khiến nhà sản xuất buộc phải giảm giá niêm yết hòng cạnh tranh và xả hàng tồn kho. Dây chuyền có thể được cải tiến liên tục để sản xuất những thế hệ sau đó.

PlayStation 4, được phát hành vào tháng 11/2013, đã bán được hơn 100 triệu chiếc trong suốt vòng đời của nó. Bên cạnh đó, tính đến hiện tại, dịch vụ chơi game trả phí của Sony cũng đã đạt 41,5 triệu thuê bao.

Một cánh tay robot lấy những cỗ máy PlayStation 4 từ dây chuyền lắp ráp ra và đặt chúng trên một nền tảng với mục đích thử nghiệm (Ảnh: Kento Awashima)

Doanh thu 10 nghìn tỉ Yên (tương đương 93 tỉ USD) cùng 1 nghìn tỉ Yên lợi nhuận do PS4 tạo ra đã khẳng định những cơ cấu do Kazuo Hirai, người giữ chức chủ tịch đồng thời cũng là CEO từ năm 2012 đến 2018, thực hiện là hoàn toàn đúng đắn. Chiếc console này hiện đang đóng vai trò trung tâm của "một Sony mới", cùng với phim, âm nhạc và những nội dung khác.

Kỹ sư Ken Kutaragi, được mệnh danh là cha đẻ của PlayStation, đã chứng minh thiết bị này hoàn toàn xứng đáng để Sony đầu tư, dù rằng đã có những sự phản đối từ các giám đốc điều hành khác. 25 năm sau, dòng sản phẩm này đã trở thành biểu tượng cho sự khéo léo của Sony.

Dẫu vậy, không có gì đảm bảo Sony vẫn sẽ tiếp tục thành công trong tương lai. Mặc dù PS2 đã cực kỳ thành công khi được phát hành vào năm 2000, thế nhưng, đến khi PS3 xuất hiện trong năm 2006, nó đã buộc phải chia sẻ thị phần với Microsoft Xbox. Không giống như quá khứ, độ thành công của Sony Group trong thập kỷ tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chào đón của người dùng khi PS5 lên kệ vào mùa lễ cuối năm nay.
Tags: Cong-nghe

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan